Câu chuyện “đến hẹn lại lên”
Trên diễn đàn Reddit, từng có người dùng đưa ra chủ đề không mới nhưng luôn thu hút sự chú ý.
Người này cho biết đọc được tin mưa bão sắp ập đến và muốn tìm chỗ trú cho chiếc ô tô của mình. Nhưng do nhà không có gara, bình thường anh ta hay để xe ngoài đường. Do đó, anh ta lên diễn đàn hỏi liệu việc đỗ sát tường nhà nhất có thể đã đủ để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất chưa.
Đứng trước câu hỏi này, nhiều cư dân mạng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình.
– Ý tưởng đầu tiên của tôi là thuê ngay một chỗ trong bãi đỗ xe cao tầng. Tốt nhất là tầng 2 trở lên, nhưng không phải tầng trên cùng hay tầng lộ thiên. Ưu tiên chỗ đỗ có mái che hơn. Số tiền bỏ ra là xứng đáng để tránh thiệt hại đắt đỏ hơn nhiều.
– Tôi đã cứu chiếc xe của mình trong cơn bão Irene (2011) bằng cách gửi xe vào bãi đỗ xe có mái che của sân bay, càng gần thang máy và các kết cấu chịu lực lớn càng tốt.
– Bất cứ cơ sở nào nhận gửi xe và có mái che. Có kết cấu bê tông vững chắc thì càng tốt.
– Nhà tôi có 2 chiếc xe và tôi đã giữ chiếc lớn hơn ở nhà để đề phòng trường hợp cần sơ tán. Chiếc kia tôi đã gửi trong bãi đỗ và đi taxi về nhà.
– Nếu không thể tìm được chỗ đỗ nào khác thì cũng đành để xe ngoài nhà thôi. Tôi thấy có người phủ xốp lên xe để tránh xây xước. Miễn là làm sao dính chặt vào xe là được.
– Tôi đã trải qua nhiều cơn bão. Hãy để xe với kính chắn gió hướng về phía ngôi nhà và đỗ càng gần nhà càng tốt. Tôi không để bất cứ thứ gì lên xe. Luôn chuẩn bị sẵn những cuộn băng dính tốt để phòng trường hợp nếu cần lái xe đi và cửa sổ bị vỡ, bạn có thể vá lại tạm thời.
Đừng đỗ xe dưới hoặc gần cây. Hàng rào mỏng manh cũng vậy. Nếu có khả năng ngập lụt, hãy đưa xe lên cao hơn. Và hãy kiểm tra bảo hiểm của bạn. Bảo hiểm của tôi cho phép tôi thêm bảo hiểm toàn diện ngay cả khi gặp mưa bão.
– Hãy đảm bảo giữ chắc những thứ dễ bay trong bão như xô chậu, thùng rác chẳng hạn. Hỗ trợ cả hàng xóm làm điều đó nếu bạn không muốn chiếc xe “hứng đạn”. Và điều quan trọng là tránh xa cây.
– Tôi thấy người ta bán “lều” căng xung quanh để bảo vệ xe.
– Bìa các tông dày phủ lên cửa sổ và phủ bạt lên xe, sau đó dùng dây thừng cỡ lớn để quấn toàn bộ lại. Hãy nhớ quấn HOÀN TOÀN quanh xe và luồn dây thừng vào dưới xe. Trên, dưới, trên, dưới. Đảm bảo rằng bạt được căng. Và phủ nhiều lớp bìa các tông lên cửa sổ nếu có thể. Dùng loại băng keo khi bóc để lại dấu vết. Tôi dùng nó trên cửa sổ chiếc motorhome của mình.
Chuyên gia nói gì?
Đó là những ý kiến từ cộng đồng mạng, vậy các chuyên gia thì sao? Về cơ bản, những lời khuyên mà cư dân mạng gửi tới chủ xe trên cũng khá tương đồng với các ý kiến của chuyên gia trong câu chuyện bảo vệ xe mùa mưa bão.
Theo công ty nghiên cứu và định giá ô tô nổi tiếng của Mỹ Kelley Blue Book, có rất nhiều việc cần làm để tránh thiệt hại lớn cho chiếc xe. Một số thiệt hại có thể không tránh khỏi và việc chuẩn bị là điều cần thiết để giảm thiểu thiệt hại.
Một trong những việc ít người để ý là thực tế nên bảo dưỡng xe trước khi mưa bão ập đến. Việc này nhằm đảm bảo chiếc xe trong tình trạng tốt nhất trong trường hợp cần sơ tán. Những hạng mục cần lưu ý nhất là pin/bình ắc quy, lốp, lốp dự phòng, cần gạt nước, điều hòa không khí.
Nếu không có ý định đi sơ tán mà quyết định ở nhà thì cách tốt nhất để xe trong các khu vực kiên cố như gara. Ngay cả khi nhà có gara thì không chỉ đơn giản là đưa xe vào là có thể an tâm. Kelley Blue Book khuyến cáo chủ xe cần kiểm tra cửa kính, sử dụng tấm che phủ, đỗ tránh xa cửa nếu có thể để tránh trường hợp cửa bị phá tung khi cơn bão quá mạnh, đồng thời cố định các vật dụng dễ bay.
Nếu không có gara thì vẫn có thể đỗ xe ngoài trời. Nếu vậy, cần đỗ xe ở nơi cao nhất có thể. “Nếu không có khu vực cao nào gần đó, hãy đỗ xe dọc theo một bên của các tòa nhà chắc chắn để giúp bảo vệ xe khỏi gió bạt và đồ vật bay khắp nơi”, Kelley Blue Book khuyên.
Sử dụng tấm phủ xe chịu lực lớn, đặt đệm bên dưới lớp phủ để tăng cường khả năng bảo vệ, dọn sạch sẽ những đồ để ngoài trời là một vài khuyến cáo khác.
Với những người sở hữu xe điện, Kelley Blue Book cho rằng các chủ xe cần sạc đầy pin. Bởi mưa bão lớn thường dẫn đến cảnh mất điện. Ngoài ra, nếu chiếc xe là loại có ổ cắm dùng cho thiết bị điện, việc làm này còn giúp chủ nhà có thể duy trì các sinh hoạt cơ bản cho đến khi cơn bão hoàn toàn đi qua.
Điều quan trọng là sau khi sạc đầy, cần ngắt kết nối khỏi ổ điện để tránh khả năng chập cháy. Kelley Blue Book đặc biệt lưu ý dù việc sạc xe dưới trời mưa là hoàn toàn bình thường, nhưng nếu là bão, khả năng có sét đánh khá cao. Do đó tốt nhất không sạc xe khi bão chưa đi qua.
Công ty dạy lái xe driveJohnson’s của Anh bổ sung thêm nên đỗ xe ngược hướng gió bởi phần đầu xe có khả năng chống chọi tốt hơn trước các mảnh vụn bị cuốn theo chiều gió va đập vào. Một lời khuyên đáng chú ý nhất là nếu có phải di chuyển, tốt nhất chọn xe nhỏ, những xe có kiểu dáng khí động học tốt, bởi xe to dễ lắc lư và bị lật hơn trong mưa to gió lớn.