Như Tuổi Trẻ Online thông tin, thời gian qua không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra mà nguyên nhân do tài xế buồn ngủ.
Là tài xế lâu năm, đồng thời nay là thầy giáo dạy lái xe ở một trung tâm dạy nghề, bạn đọc Trương Nhất Vương có bài viết chia sẻ kinh nghiệm của anh về tình trạng ngủ gật khi lái xe.
Sau bài viết này, một số bạn đọc đưa ra giải pháp để trị dứt điểm “căn bệnh” ngủ gật có thể dẫn đến tai nạn của các tài xế.
Công nghệ chống ngủ gật, tại sao không?
Bạn đọc Phong Vũ gợi ý: “Theo tôi, tài xế xe tải và xe khách đường dài nên dùng công nghệ chống ngủ gật hiện đại”.
Theo bạn đọc này gợi ý, đó là những thiết bị quan sát cặp mắt, quan sát sự ổn định của xe đang chạy để nhận biết tài xế có biểu hiện ngủ gật hay không. Khi chạm đến quá mức giới hạn, thiết bị sẽ rung chuông hoặc lên tiếng cảnh báo yêu cầu tài xế dừng xe lại đi ngủ.
Cũng theo bạn đọc Phong Vũ, các tuyến xe đường dài chạy trên xa lộ của nhiều nước Âu – Mỹ cũng đã có hệ thống cảnh báo đánh thức khi tài xế ngủ gật.
Cụ thể, khi xe chạy lệch hay cán lên làn đường khác sẽ gặp phải những dải đèn phản quang lồi và đinh mũ được gắn trên các vạch sơn báo động.
“Khi bạn ngủ gật, lái xe lệch ra ngoài làn đường khiến bánh xe cán lên vùng mô lồi lõm sẽ tạo lực rung rất mạnh và tiếng ồn rất lớn, chắc chắn đánh thức bạn dậy” – bạn đọc Phong Vũ viết.
Việc gắn các thiết bị phân làn không chỉ có tác dụng giúp tài xế bị đánh thức nếu đang ngủ gật mà còn nhắc nhở tài xế khi chuyển làn xe đột ngột hoặc chạy quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu…
Chưa nước nào quy định gắn thiết bị chống ngủ gật
Theo ông Nguyễn Văn Quyền – chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện trên thị trường có nhiều nơi bán thiết bị cảnh báo chống ngủ gật với tài xế.
Tại một số nước, tài xế lái xe đường dài có sử dụng thiết bị chống ngủ gật. Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị đó là tự nguyện của doanh nghiệp vận tải, tài xế. Còn về mặt luật pháp, hiện chưa có nước nào bắt buộc tài xế phải sử dụng thiết bị chống ngủ gật.
Ông Quyền cho biết nếu quy định bắt buộc tài xế lái xe kinh doanh vận tải đường dài phải sử dụng thiết bị chống ngủ gật sẽ tác động rất lớn.
Việc này cần nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết, tác dụng của thiết bị đó thế nào. Khi chưa nghiên cứu thì khó có cơ sở để đánh giá việc bắt buộc sử dụng thiết bị chống ngủ gật có phù hợp hay không. Còn ai tự dùng thiết bị này thì khuyến khích.
Ông Quyền cho rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm của tài xế và doanh nghiệp vận tải. Trong tổ chức vận tải cần xác định cung đường, chặng đường với lịch trình, thời điểm nghỉ ngơi phù hợp với tài xế.
Còn bản thân tài xế cũng cần chủ động đảm bảo từ tác phong, thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý để có tinh thần, sức khỏe tốt trước mỗi chuyến xe.
Trong quá trình lái xe, tuân thủ quy định của pháp luật về thời gian lái tối đa trong ngày, không lái liên tục quá 4 tiếng để đảm bảo sức khỏe, sự tỉnh táo.