Công ty cổ phần dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An (PAP) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3-2024.
Quý 3 này, doanh nghiệp tiếp tục không ghi nhận bất kỳ đồng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh nào. Lũy kế cả 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của PAP để “trắng”.
Như vậy, doanh nghiệp này đã trải qua gần 8 năm, kể từ 2017 đến nay, không ghi nhận doanh thu thuần.
Dù vậy, quý 3 này PAP vẫn báo lãi trở lại với hơn 9,9 tỉ đồng. Số lãi này có được nhờ vào khoản thu từ hoạt động tài chính hơn 10 tỉ đồng, còn 9 tháng là hơn 15 tỉ đồng.
Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm mạnh, còn hơn 600 triệu đồng, cùng kỳ năm ngoái vẫn hơn 1,65 tỉ đồng.
Nhiều năm liền, công ty này chỉ ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính, mà chủ yếu từ lãi gửi ngân hàng.
Do quý trước lỗ, tổng 3 quý năm nay PAP báo lãi sau thuế gần 6,5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 5 tỉ đồng.
Ông Trương Hoàng Hải – tổng giám đốc PAP – cho biết doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động. Do đó chưa có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên quý 3-2024, doanh nghiệp có phát sinh thu lãi tiền gửi tại ngân hàng và cũng trong thời điểm này phát sinh tiền đi vay các ngân hàng để chi trả cho các hợp đồng thực hiện dự án.
Theo báo cáo tài chính, tại thời điểm 30-9 PAP ghi nhận có hơn 164 tỉ đồng mục tương đương tiền. PAP không thuyết minh chi tiết, nhưng nhiều khả năng phần lớn số tiền được gửi ngân hàng hưởng lãi suất.
Về quy mô tài sản, chủ đầu tư cảng Phước An ghi nhận con số 6.692 tỉ đồng, tăng hơn 2.200 tỉ đồng so với đầu năm.
Trong đó mức tăng chủ yếu ở nhóm tài sản dở dang dài hạn khi ghi nhận 5.912 tỉ đồng, tăng 52% so với đầu năm; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 600 tỉ đồng.
Về phần nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của cảng Phước An tăng lên mức 3.026 tỉ đồng và bằng 45% tổng tài sản.
Tại thời điểm cuối năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm 17,5% vốn của PAP, còn Công ty TNHH MTV Hoành Sơn nắm hơn 20%, cổ đông khác nắm hơn 62% vốn còn lại.
Cổ phiếu công ty dầu khí nhiều năm không có doanh thu thuần ra sao?
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PAP gần đây được giao dịch khá tích cực với nhiều phiên tăng trần. Thị giá của PAP sau một năm đã tăng 65%, lên 22.500 đồng mỗi cổ phiếu.
Công ty cổ phần dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An là chủ đầu tư dự án cảng Phước An ở Đồng Nai. Dự án có thể sẽ được đưa vào vận hành cuối năm nay.
Theo giới thiệu trên website của PAP, cảng Phước An có tổng diện tích 183ha, chiều dài bến 3.050m, gồm 6 bến container và 4 bến tổng hợp, chiều sâu trước bến -15m, tiếp nhận tàu hàng 60.000DWT, công suất 2,5 triệu TEU/năm và 6,5 triệu tấn hàng tổng hợp/năm.
Đây là cảng biển lớn nhất tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỉ đồng. Cảng này trong nhóm cảng biển số 5 – hệ thống cảng biển khu vực TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu.
Quy mô và năng lực khai thác của cảng là 2,2 triệu TEUs (1 TEU tương đương container 20 feet) và 4 triệu tấn hàng hóa tổng hợp/năm. Năm 2024 dự kiến sẽ đạt 0,2 triệu TEUs, sau đó tăng dần và sẽ đạt 1,18 triệu TEUs vào năm 2030.