Trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc rằng sẽ đề xuất từ năm 2025 dừng hoãn, miễn giảm thuế phí, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Trần Hoàng Ngân – đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng là ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – xung quanh vấn đề này. Ông Ngân nói:
Do ảnh hưởng của COVID-19, chúng ta đã có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội gồm nhiều nhóm giải pháp, chủ yếu dùng chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp (giãn, hoãn, giảm thuế phí) và người dân (giảm thuế VAT và tăng cường chính sách an sinh xã hội).
Đây là cách tiếp sức để doanh nghiệp trụ lại, giảm bớt khó khăn của người dân, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi.
Kết quả là tăng trưởng kinh tế dần lấy lại đà, nhưng khó khăn còn rất lớn. Chúng ta còn phải lường các yếu tố rủi ro từ kinh tế thế giới, chiến tranh… nếu xảy ra sẽ rất khó cho kinh tế trong nước.
Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Trần Hoàng Ngân – đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng là ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Sức mua yếu do người dân sống tiết kiệm hơn
* Thưa ông, vì sao tăng trưởng kinh tế khả quan nhưng người dân vẫn cho rằng rất khó khăn, còn doanh nghiệp kêu sức mua có vẻ đang yếu dần?
– COVID-19 đã bào mòn tích lũy khiến nội lực của người dân suy giảm, buộc họ phải điều chỉnh thói quen tiêu dùng, chuyển sang sống tiết kiệm hơn. Cứ nhìn hàng quán phải trả mặt bằng là biết.
Khi người dân sống tiết kiệm, người kinh doanh dịch vụ sẽ giảm thu nhập, mất việc làm. Sau COVID-19, nhiều người đã về quê kiếm sống, cho thuê nhà chịu cảnh ế ẩm.
Rồi lãi suất tiết kiệm giảm ở mức chưa từng có khiến hàng triệu người giảm thu nhập.
Thị trường bất động sản chưa hồi phục, đội ngũ môi giới và người kinh doanh mất hẳn thu nhập… Trong khi đó, tiêu dùng là một trong ba trụ cột của tăng tưởng kinh tế. Vì vậy, cần phải bằng mọi cách tiếp sức để sức mua dần sung mãn trở lại.
* Nhưng tiêu dùng thông qua xuất khẩu đang dần lấy lại đà tăng trưởng, đó cũng là cơ hội để kinh tế trong nước hồi phục mà không cần sự hỗ trợ đặc biệt từ chính sách?
– Đơn hàng xuất khẩu đang trở lại là đáng mừng. Nhưng liệu đó là sự phục hồi vững chắc và không có rủi ro? Nếu sức mua của thế giới, vì lý do nào đó như chiến tranh, giảm trở lại hoặc người dân các nước cũng thắt lưng buộc bụng, khi đó đơn hàng còn dồi dào? Chính vì thế chúng ta vẫn phải bồi đắp, củng cố cho ba trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế là đầu tư – tiêu dùng nội địa – xuất khẩu.
Chưa đủ thực tiễn để siết chặt tài khóa
* Có nghĩa là chúng ta vẫn cần tiếp sức cho nền kinh tế, kể cả khi đã có mức tăng trưởng khá tốt?
– Theo tôi, tình hình thế giới hiện nay và những khó khăn bên trong cho thấy chúng ta chưa đủ thực tiễn để siết chặt chính sách tài khóa.
Doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn còn lớn. Xuất khẩu sáu tháng đầu năm có tăng nhưng không bền vững vì tình hình địa chính trị vẫn căng thẳng và tổng cầu thế giới chưa phục hồi rõ nét.
Chưa kể điều kiện của các nước nhập khẩu ngày càng cao, như chỉ mua hàng sản xuất xanh mà không phải doanh nghiệp Việt nào cũng kịp chuyển đổi sang sản xuất xanh.
Vì vậy chúng ta cần phải duy trì chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Nhìn ra thế giới, các nước vẫn hỗ trợ cho người dân, ta chưa vội làm ngược lại! Tôi nhấn mạnh sức mua trong nước rất quan trọng, phải chăm chút, trước là tạo đầu ra cho doanh nghiệp, sau là duy trì chất lượng cuộc sống cho người dân.
* Nhưng hỗ trợ là phải có tiền, liệu ngân sách quốc gia có đủ sức để duy trì liên tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân?
– Đủ sức hay không, trước hết cần đi vào nền tảng tài chính quốc gia. Cho đến nay chúng ta đã đi được 3/4 chặng đường của kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công năm năm giai đoạn 2021-2025.
Dù đường gập ghềnh, cực kỳ khó khăn nhưng tình hình khả quan. Trần nợ công quốc gia là 60% GDP nhưng hiện chỉ là 37,1% GDP, bội chi ngân sách các năm qua cũng được kiểm soát khá tốt.
Theo tôi, chúng ta có đủ tiềm lực để tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt thay vì siết chặt trong 5 năm tới.
Tài chính quốc gia không chỉ trông vào thuế
* Nhưng bộ trưởng tài chính cũng có lý khi nguồn thu khó khăn, không thể giảm thuế mãi mà cần có giải pháp hỗ trợ khác?
– Chúng ta phải tăng thu, kiểm soát chi theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng thu từ nhiều nguồn như áp dụng kỹ thuật, công nghệ để chống thất thu ở sàn thương mại điện tử, chống trốn lậu thuế, nợ đọng thuế…
Một nguồn thu lớn rất lớn đó là khai thác tài sản công, nhất là của các cơ quan trung ương hiện còn lãng phí do chưa hoàn thiện thể chế để khai thác. Nếu cho thuê không được thì đem bán.
Rồi tài sản do các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ. Cũng phải sớm hoàn thiện thể chế để khuyến khích khai thác hiệu quả khối tài sản này theo hướng thu nhập phải gắn liền với hiệu quả khai thác tài sản.
Hoặc từ 1-8, Luật Đất đai có hiệu lực, tháo gỡ một số dự án đầu tư công, bất động sản… Nhà nước sẽ thu tiền thuê đất và từ các giao dịch nhà đất nhiều hơn…
Từ 2025 không còn miễn giảm thuế
Chính sách tài khóa mở rộng hay nói cách khác chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh năm nay sẽ kết thúc để chuyển sang chu kỳ mới.
Từ năm 2025 thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, không giảm thuế mà tập trung vào tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đây mới là mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Bốn năm qua, Việt Nam đã áp dụng chính sách tài khóa mở rộng là giảm thuế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh gần 200.000 tỉ đồng/năm.
(lược trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước, tổ chức vào sáng 15-7)
Nuôi dưỡng nguồn thu, bài học không bao giờ cũ
* Ngoài giảm thuế VAT, nếu được tăng luôn giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân sẽ là “song kiếm hợp bích” để giữ sức mua, nhưng vì sao mãi giảm trừ gia cảnh vẫn không đổi?
– Luật quy định CPI tăng quá 20% kể từ khi điều chỉnh thì mới tăng giảm trừ gia cảnh. Do chúng ta kiểm soát CPI tốt nên chưa đủ điều kiện để điều chỉnh.
Nhưng câu hỏi đặt ra phải chăng cách tính CPI chưa phản ánh được hết tiêu dùng của người dân, nhất là người ở đô thị vốn chi tiêu nhiều cho dịch vụ thay vì lương thực – thực phẩm? Như gia đình ở đô thị có hai con, chỉ riêng chi phí học tập là gần 4 triệu/tháng, gần bằng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng). Rồi còn tiền y tế, thuê nhà, giải trí…
Mặt khác, mức giảm trừ gia cảnh lại như nhau giữa các địa phương trong khi chi phí sinh hoạt ở đô thị luôn cao hơn vùng sâu vùng xa. Chúng ta có lương tối thiểu vùng nhưng lại chưa có mức giảm trừ gia cảnh theo vùng!
Do vậy, trong bối cảnh hiện nay cần phải tăng mức giảm trừ gia cảnh. Thay vì chờ CPI vượt 20%, Bộ Tài chính cần đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội ra nghị quyết để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với cuộc sống hiện tại.
* Kinh tế khó khăn nhưng thu ngân sách lại đạt trên 60% dự toán, theo ông, cần rút ra bài học gì?
– Nhìn xa hơn, trong ba năm qua, từ 2021 đến 2023, là giai đoạn cực kỳ khó khăn do COVID-19, nhưng tổng thu ngân sách vẫn vượt dự toán, phải chăng nhờ áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt?
Đặc biệt, trong sáu tháng đầu năm 2024, dù đang giãn, hoãn, giảm thuế phí… nhưng thu ngân sách vẫn đạt 61% dự toán, tăng 17,7 so với cùng kỳ. Tăng thu, ngoài nỗ lực của Bộ Tài chính, còn có yếu tố giảm thuế để kích cầu tiêu dùng, tạo doanh thu bán lẻ cao hơn, nhờ đó thu thuế tăng lên.
Vậy tại sao chúng ta không tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu theo cách này mà cắt đi? Chính sách tài khóa thận trọng là cần thiết, nhưng chúng ta phải có quan điểm tiến bộ hơn trong nuôi dưỡng nguồn thu.
Thái Lan phát tiền cho dân để kích thích tiêu dùng
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin hôm 11-7 tuyên bố từ 1-8 sẽ thực hiện chương trình phát tiền “ví kỹ thuật số” trị giá 500 tỉ bath (13,8 tỉ USD) cho người dân nước này để tạo việc làm, kích thích phát triển các tỉnh và các vùng có kinh tế kém.
Sẽ có khoảng 50 triệu người trên 16 tuổi nhận được 10.000 baht (gần 7 triệu đồng) với điều kiện: có thu nhập dưới 70.000 baht (khoảng 49 triệu đồng)/tháng và có tiền gửi ngân hàng dưới 500.000 baht (khoảng 350 triệu đồng).
Tiền chỉ được dùng mua thực phẩm và hàng tiêu dùng, không mua hàng trên mạng, rượu, thuốc lá, vàng hay kim cương…
Chính phủ Thái Lan khẳng định chương trình sẽ kích thích một “cơn lốc kinh tế” giúp GDP tăng thêm 1,2 – 1,6%.
Còn tại Singapore, Bộ Tài chính nước này hồi đầu tháng 7 cũng công bố khoảng 1,5 triệu người Singapore trong tháng 8 sẽ nhận được tiền mặt với hai mức 450 SGD (8,5 triệu đồng) hoặc 850 SGD (16 triệu đồng) từ chương trình thanh toán tiền mặt GST Voucher (GSTV) tăng cường. Chương trình nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho nhiều người Singapore chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian qua.
Ông Đặng Văn Thành (chủ tịch Tập đoàn TTC):
Ai cũng mơ “dòng tiền tuần hoàn”
Có câu chuyện rằng: một vùng sống nhờ du lịch đang chịu cảnh ế ẩm nên chủ khách sạn, nhà hàng nợ nhiều nhà cung cấp dịch vụ và thực phẩm. Hệ lụy là nhà cung cấp nợ nông dân và cả lương của người lao động. Những người này vì thế cũng không có tiền để lâu lâu đi ăn quán, không trả góp đúng hạn, ít đi du lịch nên nhà hàng – khách sạn đã ế lại càng ế.
Thế rồi, có nhà đầu tư đến nhờ chính sách miễn giảm thuế của nhà nước. Họ đầu tư bộn tiền vào dự án. Lại thêm người dân được Nhà nước tặng phiếu mua hàng (voucher) để kích thích tiêu dùng. Người dân có voucher, có thu nhập, tiền rủng rỉnh, họ có lý do và động lực để an tâm tiêu xài, du lịch… Khỏi phải nói, hưởng lợi là nông dân bán thực phẩm, chủ khách sạn, người cho thuê mặt bằng và cả sinh viên làm thêm giờ…
Từ chỗ nợ nần, khất nợ dắt dây, nay ai cũng thu được tiền thanh toán cho đủ, chẳng ai thiếu ai. Hàng làm ra bán hết, lại quay vòng sản xuất lô hàng mới. Nhà nước cũng thu được khoản kha khá từ thuế. Rồi một phần tiền thuế lại được đem ra sửa đường, xây thêm công viên… lại tạo thêm được việc làm, có thêm thu nhập.
Sức mua sung mãn, dòng tiền cuồn cuộn từ người này qua nơi khác – người ta gọi đó là dòng tiền tuần hoàn. Dòng tiền phải liên tục chảy, nếu bị tắc, kinh tế khó khăn thì Nhà nước phải tìm biện pháp “mồi” (giảm thuế, tặng tiền, phát voucher), khơi thông (do tắc về chính sách, về cơ sở hạ tầng…).
Từ lâu, tôi rất thích ý tưởng Nhà nước tặng voucher có thời hạn mua hàng cho người dân để kích thích tiêu dùng. Vì sao? Nếu giảm thuế cho doanh nghiệp là “kích cung” thì “giảm thuế” thu nhập cá nhân bằng cách phát voucher là “kích cầu”.
Phát voucher như một liều thuốc đánh thẳng, đánh trực tiếp vào căn bệnh nghẽn tiền, tồn kho do sức mua yếu. Hiệu lực voucher có thời hạn (3 hay 6 tháng), mua những mặt hàng Nhà nước chọn để giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp, ai không mua thì xem như từ chối nhận hỗ trợ.
Nhờ đó, doanh nghiệp tiêu thụ hết ngay hàng tồn kho, dòng tiền được khơi thông, doanh nghiệp trở lại sản xuất, người lao động có thu nhập, sức mua xã hội dần trở lại bình thường.
Tất nhiên chính sách hỗ trợ nào cũng có những ưu, khuyết. Với voucher mua hàng, cái khó là chọn ra mặt hàng nào. Đây là bài toán khó cho nhà làm chính sách để không bị cho rằng “lợi ích nhóm”. Còn phát tiền, sẽ có người không mua sắm, cất giữ, mục tiêu mua hàng không đạt. Giảm thuế, với những nước còn áp dụng thuế khoán nhiều, có thể một phần khoản giảm thuế không đến tay người tiêu dùng.
Sức mua yếu là vấn nạn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến thu nhập của từng nhà, cuộc sống của từng người. Vì vậy, các doanh nhân đều mơ “dòng tiền tuần hoàn”. Các nước luôn có kịch bản, cả dự phòng và luôn “đi trước đón đầu”, không để đắm thuyền mới lo sắm phao nhằm duy trì và cứu sức mua. Để có được ước mơ đó, không thể thiếu bàn tay của Nhà nước.