Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đến dự lễ kỷ niệm 71 năm ngày ký hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên (1953 – 2024).
Tại buổi lễ, đại tá lục quân Ri Un Ryong và trung tá hải quân Yu Kyong Song, hai sĩ quan của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, đã thề sẽ “hủy diệt hoàn toàn kẻ thù” nếu có chiến tranh.
Hãng tin Reuters nói thêm rằng phát ngôn này xuất phát từ “lòng căm thù dâng trào” với Mỹ và Hàn Quốc.
Triều Tiên gọi ngày 27-7 là “Ngày Chiến thắng”, trong khi Hàn Quốc không kỷ niệm ngày này bằng bất kỳ sự kiện lớn nào.
Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950 và kết thúc bằng một hiệp định đình chiến vào năm 1953, không phải hòa ước. Do đó về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Tại lễ kỷ niệm được tổ chức hôm qua 27-7, ông Kim Jong Un đã gặp các cựu chiến binh từng làm việc ở các vị trí chủ chốt trong đảng cầm quyền, chính phủ và quân đội.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên không có bài phát biểu. Thay vào đó là ông Ri Il-hwan, bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Trong đó ông kêu gọi thế hệ trẻ tôn vinh và biết ơn các cựu chiến binh.
Năm ngoái, Triều Tiên đã tổ chức một cuộc duyệt binh để kỷ niệm cột mốc 70 năm đình chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là Sergei Shoigu và Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Lý Hồng Trung cũng được mời đến và đứng trên khán đài cùng ông Kim Jong Un.
Cũng trong ngày 27-7, trong lễ kỷ niệm những hy sinh của lực lượng do Mỹ dẫn đầu trong chiến tranh Triều Tiên, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo cảnh báo nước này sẽ không dung thứ trước các hành động khiêu khích.
“Thông qua sức mạnh áp đảo và sự đoàn kết với các quốc gia thân thiện, chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động khiêu khích nào từ Triều Tiên”, ông nói và cho rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục thực hiện các hành động khiêu khích, chẳng hạn như thả bóng bay chở rác và phóng tên lửa đạn đạo.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc kế đó cho biết nước này có kế hoạch tăng cường thế trận an ninh thông qua hợp tác ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Seoul cũng đang nỗ lực vì sự ổn định ở Đông Bắc Á thông qua hợp tác ba bên với Tokyo và Bắc Kinh.
Cảnh báo là vậy, song ông Han Duck Soo cũng khẳng định cánh cửa đối thoại với Triều Tiên vẫn mở nếu Bình Nhưỡng ngừng phát triển hạt nhân và các mối đe dọa quân sự.