Khảo sát này được căn cứ trên toàn bộ các VĐV chuyên nghiệp thi đấu và số lượng các ca chấn thương nặng.
Không có gì ngạc nhiên khi xe đạp mạo hiểm (BMX) dẫn đầu danh sách những môn thể thao nguy hiểm nhất, với tỉ lệ chấn thương lên đến 34,38%. Tức cứ 3 người chơi môn này là sẽ có 1 người dính chấn thương nặng.
Cái tên tiếp theo khiến nhiều người ngạc nhiên là taekwondo với tỉ lệ chấn thương lên đến 29,9%, rồi đến bóng đá (27,2%), xe đạp leo núi (22,4%), boxing (18,1%), cử tạ (15,8%), điền kinh (13%), judo (12,4%), 3 môn phối hợp (11,6%), bóng rổ (10,7%), thể dục dụng cụ (10,5%), cầu lông (9,7%), quần vợt (9,4%) và bóng chuyền (7,4%).
Trong khi đó, những môn thể thao thuộc nhóm an toàn nhất là chèo thuyền – 2,23%, bắn súng – 2,25%, bắn cung – 3,65%, bơi lội – 3,8%, xe đạp (đường trường) – 4,2%, bóng bàn – 4,8%…
Kết quả khảo sát còn cho thấy 25% các ca chấn thương của bóng đá liên quan đến đầu gối, và các cầu thủ bị ảnh hưởng chi dưới trong 80% trường hợp. 40% ca chấn thương cũng đến từ tình trạng quá tải.
Các cầu thủ nữ đặc biệt phải đề phòng chấn thương đứt dây chằng chéo – loại chấn thương được xem là điểm kết thúc cho sự nghiệp chơi bóng. Cụ thể, cầu thủ nữ có nguy cơ chấn thương đứt dây chằng chéo cao gấp 8 lần các đồng nghiệp nam.
Cũng theo IOC, trẻ vị thành niên là đối tượng cần phải đề phòng chấn thương nhất, với 40% ca chấn thương nằm trong độ tuổi 12 – 17.
Dù điền kinh – với tỉ lệ chấn thương lên đến 13% nằm trong nhóm những môn thể thao nguy hiểm, đi bộ lại được xếp vào nhóm an toàn, đặc biệt phù hợp với người tập luyện phong trào.
Một con số khác có thể khiến người chơi thể thao phải giật mình, đó là tỉ lệ chấn thương chấn động não chiếm đến 17% tổng số ca chấn thương. Và hầu hết những ca chấn thương vùng đầu xảy đến từ việc trượt té chứ không phải do va chạm.