Tỉ giá hạ nhiệt
Áp lực lên tỉ giá hối đoái của Việt Nam đã giảm đáng kể trong tháng 8 nhờ sự suy yếu đáng kể của đồng USD. Hiện chỉ số USD (DXY) đã về mức hơn 100.7 điểm – mức thấp nhất trong vòng hơn một năm trở lại đây.
Trong cuộc họp mới đây, chủ tịch Fed đã tự tin tuyên bố chiến thắng của Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát và tin rằng đã đến lúc để điều chỉnh chính sách. Hiện thị trường đang thiên về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất đồng USD vào tháng 9.
Theo cập nhật đến ngày 31-8, giá USD ngân hàng mua vào đã sụt về mức 24.660 đồng, tức chỉ còn tăng hơn 2,3% so với đầu năm nay và giảm hơn 2,5% kể từ mức đỉnh.
Tỉ giá trên thị trường tự do cũng giảm mạnh xuống mức 25.240 đồng/USD, chỉ còn tăng 2% so với đầu năm 2024.
Bà Trần Thị Khánh Hiền – giám đốc khối Nghiên cứu Chứng khoán MB (MBS), cho rằng áp lực tỉ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.800 – 25.000 đồng/USD trong quý 4 này.
Ngoài những thuận lợi từ động thái giảm lãi suất của Fed, bà Hiền cũng chỉ ra những yếu tố trong nước hỗ trợ tỉ giá. Đơn cử như thặng dư thương mại tích cực, dòng vốn FDI và du lịch phục hồi mạnh mẽ.
“Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỉ giá trong năm 2024”, bà Hiền dự báo.
Tác động tỉ giá lên lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 của doanh nghiệp – Dữ liệu: BSC
Khi tỉ giá hạ nhiệt, rõ thấy nhất là các doanh nghiệp có các khoản nợ vay bằng USD sẽ bớt áp lực. Theo chuyên gia phân tích Chứng khoán BSC, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay của các doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng mạnh bởi tác động tỉ giá.
Thống kê của BSC còn chỉ ra, nhiều doanh nghiệp vay nợ bằng USD lớn đã ghi nhận các khoản lỗ tỉ giá “khủng” trong nửa đầu năm 2024. Khi tỉ giá giảm, điều rõ nhận thấy nhất là sẽ bớt đi áp lực lỗ tỉ giá cho các doanh nghiệp nay.
Đơn cử, tại thời điểm 30-6-2024, Novaland (NVL) có giá trị khoản vay USD tương đương 17.927 tỉ đồng, lỗ tỉ giá 6 tháng đầu năm nay lên tới 834 tỉ đồng.
Hay như Vietnam Airlines vay nợ USD có giá trị tương đương 6.117 tỉ đồng, lỗ tỉ giá lên tới 1.224 tỉ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp điện hay thép như POW, Gex, HPG… đều ghi nhận lỗ tỉ giá hàng trăm tỉ đồng.
Vì sao vẫn cần “dè chừng”?
Dù tỉ giá VND/USD đã dần hạ nhiệt từ cuối tháng 7, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng khi dự báo chỉ số vĩ mô này thời gian tới.
Theo chuyên gia phân tích từ Fiinratings, áp lực lên tỉ giá vẫn có thể quay trở lại trong thời gian tới dưới tác động của các yếu tố trong và ngoài nước.
Trong đó, các yếu tố quốc tế có thể kể đến triển vọng nền kinh tế Mỹ, nhu cầu tích trữ đồng USD trước các rủi ro địa chính trị trên toàn thế giới…
Còn trong nước, cầu USD cũng thường tăng mạnh hơn vào cuối năm do nhu cầu nhập nguyên liệu đầu vào cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
Dù vậy, Fiinratings vẫn cho rằng chi phí sản xuất và chi phí vốn nước ngoài sẽ giảm. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ như xuất nhập khẩu sẽ hưởng lợi trực tiếp từ chi phí đầu vào giảm.
Đề cập về tỉ giá, bà Nguyễn Thị Phương Lam, giám đốc phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cũng nhận thấy một số áp lực về phía cung – cầu ngoại tệ.
Theo đó, nhu cầu USD thường tăng vào giai đoạn cuối quý 3 và đầu quý 4 do nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
Dựa trên triển vọng đồng USD duy trì sức mạnh tương đối và áp lực về cầu ngoại tệ trở lại, chuyên gia VDSC cho rằng con đường ổn định tỉ giá có thể sẽ còn một nhịp “gập ghềnh” phía trước.
Theo đó, chuyên gia công ty chứng khoán này đưa ra hai kịch bản về tỉ giá. Trong đó, kịch bản cơ sở đối với tỉ giá USD/VND thị trường liên ngân hàng có thể tăng lên 25.500 đồng/USD và giảm trở lại còn 25.300 đồng/USD vào cuối năm.
Kịch bản lạc quan hơn xảy ra với điều kiện hai áp lực kể trên đều được kiểm soát, khi đó, tỉ giá có thể giảm về mức 25.000 đồng/USD vào cuối năm.