Quan điểm này được đưa ra tại hội thảo về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô tham gia giao thông, do Trường đại học Việt Đức (Bình Dương) và đối tác tổ chức ngày 24-7.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đông Phong, giám đốc Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ – Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhận định việc kiểm định khí thải xe máy là một bài toán cực kỳ thử thách, bởi lượng xe máy ở Việt Nam rất lớn, thực tế ước tính vào khoảng 60 triệu chiếc.
Ông Phong phân tích, trong khi ô tô chỉ có 6 triệu chiếc, việc xây dựng mạng lưới kiểm định đã mất gần 30 năm mới được gần 300 trạm. Còn lượng xe máy gấp 10 lần ô tô, dù kiểm định đơn giản hơn nhưng tỉ lệ tương ứng để phủ rộng giai đoạn đầu cũng cần hàng nghìn cơ sở tham gia kiểm định.
Để giải bài toán này, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phương – trưởng Phòng Đăng kiểm xe cơ giới, cho biết cục đã tính toán phương án huy động khoảng 300 đơn vị trong hệ thống kiểm định xe cơ giới hiện nay, hơn 600 cơ sở bảo dưỡng xe máy, 1.800 đơn vị thuộc hệ thống các xưởng bảo hành bảo dưỡng xe máy.
“Tổng cộng sẽ có khoảng 2.700 đơn vị có thể kiểm định khí thải xe máy. Phải huy động toàn bộ nguồn lực thì làm mới thành công được”, ông Phương nói. Ông đề cập đến việc có thể triển khai trước ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… sau đó lan tỏa dần ra khu vực khác.
Chung góc nhìn, ông PGS. TS Vũ Anh Tuấn – giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải (Trường Đại học Việt Đức) – cho rằng, TP.HCM có thể đi tiên phong triển khai vấn đề này trong 5 năm tới. Thời gian đầu triển khai, địa phương có thể phối hợp Cục Đăng kiểm sử dụng các trung tâm bảo dưỡng xe máy để kiểm định.
Góp ý thêm, ông Tuấn cho rằng cần có giải pháp kỹ thuật để giảm lượng phát thải bụi bẩn của những xe máy nào không đạt yêu cầu khi kiểm định. Với những xe không thể bảo dưỡng nữa thì cần thải loại. TP cần có chính sách hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp như đổi sang xe máy điện…
Số ca tử vong vì bụi mịn ở TP.HCM gấp 3-5 lần tai nạn giao thông
Theo PGS. TS Vũ Anh Tuấn, TP.HCM có khoảng 8 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô tô. Lượng lớn xe cộ không chỉ gây ra vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông mà còn tác động lớn đến sức khỏe người dân.
Qua thống kê và phân tích, bụi mịn PM2.5, PM10 là nguyên nhân của 1840 – 3150 ca tử vong/năm, gấp 3 – 5 lần số tử vọng vì tai nạn giao thông ở TP.HCM.
Thách thức về sức khỏe đặt ra nhu cầu cấp bách về kiểm soát khí bụi bẩn từ các xe máy, ô tô… Ông Tuấn cho rằng để giảm phát thải khí bụi bẩn cần tập trung vào các phương tiện phát thải nhiều như bụi mịn như xe máy.
“Đây là vấn cấp bách, còn nguy hiểm hơn tai nạn giao thông”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh phải có hành động và đưa ra lộ trình phù hợp để kiểm soát khí thải xe máy.