Không đổi được bằng lái xe đã tích hợp, Cục Đường bộ nói gì?

Người dân tích hợp dữ liệu bằng lái xe vào ứng dụng VNeID – Ảnh: LÊ PHAN

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, vào tháng 8-2024, ông Nguyễn Bảo Ng. (41 tuổi, ở thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa) bị xử phạt vi phạm hành chính vì lái xe mô tô 2 bánh khi hơi thở có nồng độ cồn, và bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng có thời hạn đối với bằng lái hạng A1 (lái xe mô tô).

Công an đã tạm giữ giấy phép lái xe do Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa cấp cho ông Ng., trong đó tích hợp cả hai bằng lái xe hạng A1 và B2 (lái ô tô).

Bằng lái xe B2 của ông Ng. không bị xử lý gì và đã được xác thực trên hệ thống VNelD, có giá trị đến ngày 11-12-2024.

Khi đến thời hạn phải đổi bằng lái B2, ông Ng. đã nhiều lần làm thủ tục nhưng cán bộ Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa không giải quyết, yêu cầu ông phải nộp bản chính bằng lái B2 mà công an đã thu giữ.

Vì sao không đổi được bằng lái xe đã tích hợp?

Nhiều bạn đọc cho biết gặp phải vấn đề tương tự và thắc mắc về quy định trên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lương Duyên Thống – trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết việc người có giấy phép lái xe tích hợp hạng A1 và hạng B2 bị tước giấy phép lái xe hạng A1, nhưng không được đổi giấy phép lái xe B2 khi đến hạn, là áp dụng theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Bằng lái hạng A1 là cấp cho người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3, cấp cho người điều khiển ô tô đến 9 chỗ và xe tải dưới 3.500 kg.

Theo đó, trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đồng thời thông tư số 12/2017 của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (hướng dẫn Nghị định số 100/2019/NĐ-CP) cũng quy định: khi thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính giấy phép lái xe để đối chiếu.

Vì hai hạng giấy phép lái xe được tích hợp vào một giấy phép lái xe, khi người có giấy phép lái xe tích hợp hạng A1 và B2 bị tước giấy phép lái xe do phạm lỗi điều khiển xe hạng A1 bị thu cả giấy phép lái xe, trong đó có cả giấy phép lái xe B2.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Thống cho biết: Trong quá trình xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Bộ Công an có quy định cho phép giấy phép lái xe tích hợp bị tạm giữ khi tước giấy phép lái xe với hạng A1 thì vẫn đổi được hạng B2.

Nghị định dự kiến được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1-1-2025.

Đồng thời, thông tư số 35/2024 do bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, có hiệu lực từ 1-1-2025 cũng cho phép đổi hạng giấy phép lái xe không bị tước quyền sử dụng trong giấy phép lái xe tích hợp.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tích hợp là căn cứ để xem xét đổi giấy phép lái xe với hạng không bị tước.

Bằng lái xe đã xác thực trên VNeID là hợp lệ

Thiếu tá Trần Duy Hiển, phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – C06, Bộ Công an), cho biết thông tư 05/2024 sửa đổi thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái có hiệu lực từ ngày 1-6-2024 quy định:

Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET hợp lệ là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe hoặc có thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VNeID.

Như vậy, nếu các thông tin bằng lái đã được xác thực trên VNelD sẽ được xem là hợp lệ.

Khi thông tin của các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu.

Việc kiểm tra thông tin của giấy tờ trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó”.

Ông Hiển cũng cho biết thêm từ ngày 1-1-2025, quy định về bằng lái xe có một số thay đổi, vì vậy một số loại bằng sẽ hợp nhất. Hiện C06 đang phối hợp điều chỉnh trên hệ thống VNeID.

Bằng lái tích hợp, tạm giữ một bằng lái, bằng còn lại vẫn thực hiện được các thủ tục liên quan

Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), đối với quy định tại khoản 5 điều 81 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, cần phải hiểu và xác định rõ ràng trường hợp bị tước một trong các loại giấy phép lái xe đã tích hợp thì người dân vẫn có thể sử dụng giấy phép lái xe còn lại để tham gia giao thông và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

Nội dung này cũng được quy định trong thông tư số 28/2024/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 1-7-2024, lực lượng cảnh sát giao thông bắt đầu kiểm tra, xử lý, tạm giữ hoặc tước giấy phép lái xe trên ứng dụng VNeID.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *